Di tích danh thắng Di tích danh thắng

Di tích lịch sử cách mạng kháng chiến đình Đăm
Ngày đăng 31/12/2019 | 15:36  | Lượt xem: 160

Theo sách lịch sử đảng bộ Phường Tây Tựu

Xem với cỡ chữ Đọc bài viết

TÓM LƯỢC DI TÍCH DI TÍCH LỊCH SỬ CÁCH MẠNG KHÁNG CHIẾN ĐÌNH ĐĂM

Đình Đăm là công trình kiến trúc cổ kính được xây dựng lại từ thời Lê, do bà Nguyễn Thị Tính, một người phụ nữ tài sắc của quê hương đã trở thành cung phi thứ 8 (vợ vua Lê Hy Tông niên hiệu Vĩnh Trị 1676 – 1705), cho dân lấy gỗ, kén thợ giỏi ở kinh đô về Tây Tựu xây dựng đình làng mang dáng dấp kiến trúc cung đình. Đình thờ tướng Đào Trường (tức thánh Bạch HạcTam Giang) là người có tài kinh bang võ nghệ cao cường, được tiến cử làm thổ lệnh trường, cai quản quận Sơn Nam.

Đình toạ lạc trên khu đất cao ráo, thoáng đãng giữa tổ dân phố Trung phường Tây Tựu. Hướng chính của đình quay về phía Tây, trước mặt là cánh đồng rộng trông sang xứ Đoài, sau lưng là đầm nước trũng gọi là Thuỷ ác, bên phải có ngọn núi Đống Chay chầu về, bên phải có dòng sông Nhuệ uốn khúc bao lấy nhà Thuỷ toạ rồi lượn xuống phía Đông Nam. Theo quan niệm truyền thống đây là ngôi đình có vị thế đế vương, là khởi nguồn cho sự thịnh đạt, phát triển của làng quê, là miềm đất tụ linh, tích phúc cho nhân khang vật phú.

 Tuy nhiên, dấu tích xây dựng ngôi đình ban đầu đến nay không còn nữa, không còn một tài liệu cụ thể nào ghi chép về việc xây dựng đình. Hiện nay, chúng ta chỉ biết đến công cuộc trùng tu đình được ghi lại trên thượng lương tòa Tả - Hữu mạc : Đình được trùng tu, dựng cột, cất nóc vào giờ tỵ ngày 22 tháng 03 năm Quý Hợi, niên hiệu Khải Định thứ 8.

Theo các cụ già kể lại, ngôi đại đình trước đây có cột đình to đường kính ước 2 người ôm, sàn gỗ chạm hoa tam cấp, trạm khắc trang hoàng cả ngôi đình như một cung điện. Năm 1948, theo yêu cầu tiêu thổ kháng chiến chống thực dân Pháp, Đình bị đốt cháy toàn bộ; năm 1952 hội đồng hương chính xã tiến hành xây dựng lại đại đình, hậu cung.  (cụ chánh bá câu họ Nguyễn Hữu thôn Thượng cung tiến nhà thờ họ của cụ để dân làm đại đình)

Từ đó đến nay, trải qua bao khắc nghiệt của thiên nhiên, Đình đã được trùng tu vào các năm 1984,1986,1996,2010 tạo nên sự uy nghiêm của khu di tích như hiện nay.

Đình còn lưu giữ lại được nhiều di vật quý từ thời Lê Trung Hưng, Tây Sơn và nhà Nguyễn. Với những giá trị lịch sử, văn hóa và kiến trúc, ngày 18/01/1993, Đình được Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận là di tích kiến trúc – nghệ thuật. Năm 2012 Đình Đăm được công nhận là di tích lịch sử cách mạng kháng chiến.

Nằm trong khu vực di tích có Từ vũ:  Là nơi thờ Thông Mẫn Công (tức hoàng từ Lê Duy Cơ con trai út của bà Nguyễn Thị Tính và vua Lê Hy Tông – người có nhiều công lao đối với dân làng Tây Đăm). Hoàng tử Lê Duy Cơ mất ngày 21 tháng 01 năm Mậu Tý (1708) lúc đó mới 8 tuổi.

Các hương lão quê ngoại hoàng tử Lê Duy Cơ tưởng nhớ đến công đức của bà Nguyễn Thị Tính đã tâu trình lên triều đình xin được tôn Thông Mẫn Công (tức Lê Duy Cơ) làm hậu thần của bản xã. Sau khi đức thánh Bạc Hạc Tam Giang được thờ ở Đình thì bài vị của bà Nguyễn Thị Tính được rước xuống thờ tại Từ Vũ. Hiện nay, tại Từ Vũ còn thờ bố mẹ đẻ của bà Tính là ông Nguyễn Quý Công và bà Lê Quý Thị.

Văn Chỉ: Được xây dựng để thờ Đức Khổng Tử người sáng lập đạo Nho và những vị khoa bảng của làng. Làng Đăm có người đỗ tiến sỹ từ thời Hồng Đức. Tại Văn Chỉ có 02 vị được thờ: Tiến sỹ Nguyễn Minh Điền (đỗ khoa thi năm Canh Tuất, triều vua Lê Thánh Tông, niên hiệu Hồng Đức 1460 – 1497); Tiến sỹ Nguyễn Kiêm (đỗ khoa thi năm Kỷ Hợi, triều vua Lê Cảnh Hưng 1740 – 1786).

Văn Chỉ được trùng tu lớn vào năm Tự Đức thứ 5 (1852); ngày giáp ngọ 16 tháng 10 năm Nhâm Tý khởi công xây dựng nhà bái đường. Ngày Bính Tuất 16 tháng 12 năm sau dựng lại nhà chính tầm; trước sau hai tòa, mỗi tòa ba gian, các gian đều lát gạch Bát tràng và làm bằng gỗ Đinh Thiết. Đầu thế kỷ XX, Văn Chỉ được làm lại theo kiểu chữ Đinh với nhà tiền tế 5 gian, dài 10m, rộng 4,4m, cao 4,6m. Hàng năm vào dịp xuân, thu, Ban tư văn chuẩn bị tế lễ hoặc tổ chức các buổi bình thơ, bình văn tại đây.

Thủy Đình: Còn gọi là Nhà Thủy Tọa (hay Lạc Xuân Đài): Là nơi tổ chức hội bơi Đăm truyền thống, là nơi Thánh “ngự giá” xem bơi; đây cũng là nơi diễn ra các nghi thức truyền thống trước khi các thuyền đua xuất phát. Thẳng cửa chính Thủy Tọa giữa dòng sông Nhuệ dựng một cột cờ, đó là điểm xuất phát của cuộc thi bơi trong những ngày lễ hội.

Di tích lịch sử cách mạng kháng chiến đình Đăm
Nhà Thủy Tọa
Nhà Thủy Tọa - Nơi Thánh ngự xem bơi