Di tích danh thắng
Giá trị tiêu biểu về lịch sử văn hóa của di tích Nhà thờ Nguyễn Hữu Liêu - phường Tây Tựu
Giá trị tiêu biểu về lịch sử văn hóa của di tích Nhà thờ Nguyễn Hữu Liêu - phường Tây Tựu
Nguồn: Phòng VHTT quận Bắc Từ Liêm
Trong truyền thống của mình, người Việt Nam luôn đề cao các quan hệ gia đình, họ hàng, dòng tộc. Ðiều này thể hiện qua câu tục ngữ "một giọt máu đào hơn ao nước lã" mà qua bao đời mọi người đều đã thuộc nằm lòng, coi đó là nguyên tắc ứng xử cần được tôn trọng. Ở Việt Nam, dòng họ là một thiết chế xã hội quan trọng, trực tiếp góp phần tạo nên kết cấu làng xã và rộng hơn nữa là đất nước. Ðã có nhiều dòng họ nổi tiếng gắn liền với lịch sử hình thành, phát triển của dân tộc, luôn đồng hành cùng dân tộc trong sự nghiệp chinh phục thiên nhiên, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm có rất nhiều dòng họ lớn đã có những đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc qua các thời kỳ, có thể nhắc đến như: họ Phan, họ Phạm, họ Đỗ ở phường Đông Ngạc; Họ Dương, họ Đỗ Tam Chi ở phường Xuân Đỉnh; Họ Nguyễn Đăng ở phường Minh Khai và họ Nguyễn Hữu ở phường Tây Tựu…
Tiêu biểu trong các dòng họ đó, chúng ta có thể nhắc tới dòng họ Nguyễn Hữu ở phường Tây Tựu, nơi có nhà thờ Nguyễn Hữu Liêu đã được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa quốc gia năm 1996. Nhà thờ Nguyễn Hữu Liêu là nơi tưởng niệm về một nhân vật nổi danh thời Lê, đó là Quận công Nguyễn Hữu Liêu một vị tướng võ tài ba mưu lược của thời Lê Trung Hưng làm quan đến chức Thái úy, từng chỉ huy quân đội suốt 48 năm. Trong mỗi chức vụ ở trong Triều ngoài trấn, cương vị nào ông cũng đem hết tài đức ra phụng sự đóng góp cho dân, cho nước nên được tin dùng, đồng liêu mến phục. Các công trạng đó thật xứng đáng với lời khen của nhà sử học Phan Huy Chú trong sách nhân vật chí đã viết về ông như sau: “Ông là người tinh anh, sáng suốt, dũng cảm và quyết đoán. Mỗi khi ra trận, khí hăng hái lên tận mây, tiếng gầm thét như thổi gió mạnh, ba quân vì thế hăng say chiến đấu, không trận nào không thắng. Thế mà vẫn chất phác, trung thực, giữ đúng lễ, đương thời khen ông là tướng giỏi”.
Xuất thân từ một gia đình có truyền thống võ nghệ, lại có ý chí phi thường và đức tính kiên định, Nguyễn Hữu Liêu đã tự rèn luyện vươn tới đỉnh cao của sử nghiệp làm rạng rỡ cho quê hương dòng tộc. Đối với người dân địa phương, Nguyễn Hữu Liêu đã thực sự trở thành tấm gương về ý chí vượt qua nghèo khó để vươn lên. Làm quan to nhưng ông vẫn luôn gắn bó với nhân dân. Ông được vua ban cho hưởng lộc ở 4 phủ xứ Sơn Tây là Quốc Oai, Tam Đái, Lâm Thao, Đoan Hùng; 04 tổng ở huyện Thanh Chương, 05 tổng ở huyện La Sơn, 02 tổng ở tỉnh Nghệ An; Các tổng xã ở xứ Thuận Hóa. Riêng ở quê hương nơi ông sinh ra có 34 mẫu ruộng công ở 4 xã thuộc tổng Tây Đam. Tuy có nhiều bổng lộc nhưng ông luôn giữ lễ và thương dân nghèo. Vì vậy sau khi ông mất được ban phối hưởng thờ ở bên trái cung miếu chính cung xã Phấn Thượng, huyện Phúc Lộc, xứ Sơn Tây và được phong là Thượng Đẳng Thần. Tại nhà thờ họ con cháu, dòng tộc cùng dân làng đã tạc tượng ông để phụng thờ mãi mãi. Lòng yêu quê hương, ân đức của những người thành đạt với dân với làng luôn là giá trị văn hóa tốt đẹp xuất hiện ở mỗi giai đoạn lịch sử và lưu truyền mãi trở thành giá trị truyền thống của dân tộc Việt Nam. Từ hơn 500 năm về trước dòng họ Nguyễn Hữu Liêu đã nổi danh về tinh thần thượng võ, có 03 vị Nguyên soái và 7 vị Quận công có những đóng góp to lớn về quận sự cho đất nước vào thời Lê.
Nhà thờ Nguyễn Hữu Liêu là nơi giáo dục, phát huy truyền thống thượng võ và truyền thống văn hóa dân tộc cho các thế hệ và mỗi thành viên của cộng đồng. Ngày hội làng hàng năm của vùng Tây Tựu vẫn duy trì hội đấu vật truyền thống để chọn người có sức khỏe và tài năng võ nghệ, từ đó củng cố mối đoàn kết cộng đồng, rèn luyện thể chất và tinh thần cho mỗi thành viên trong cộng đồng. Đây là nơi giáo dục truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, vào ngày mùng năm tháng bảy hàng năm con cháu của dòng tộc lại hội tụ về nhà thờ để tưởng nhớ tới tổ tiên và nhắc lại truyền thống của dòng tộc, củng cố mối đoàn kết huyết tộc thêm bền vững, góp phần tăng cường khối đoàn kết cộng đồng.
Nhà thờ Nguyễn Hữu Liêu là một công trình kiến trúc còn bảo tồn khá nguyên vẹn cả về quy mô, kiểu thức kiến trúc truyền thống. Kiến trúc bố cục kiểu chữ nhị với các vị kèo kiểu chồng giường, giá chiêng. Đặc biệt là tòa hậu cung nhà thờ, chính là một mô hình kiến trúc loại hình nhà thờ họ có niên đại xây dựng sớm vẫn được bảo tồn nguyên vẹn. Với kiểu nhà xây tường hồi bít đốc, nhà rộng - lòng các vì kèo đỡ mái kiểu “chồng giường - giá chiêng” mái thấp là loại hình kiến trúc hiếm còn được lưu giữ nguyên gốc. So với những kiến trúc nhà thờ họ quanh vùng hiện còn thì nhà thờ Nguyễn Hữu Liêu là một di tích tiêu biểu. Đáng chú ý là di tích còn bảo lưu được bộ di vật văn hóa có giá trị nghệ thuật thẩm mỹ cao như: Tượng Dương Quốc Công Nguyễn Hữu Liêu, một tác phẩm nghệ thuật đặc sắc mang đậm nét chân dung của danh nhân với nghệ thuật thế kỷ 18. Pho tượng Dương Quốc Công là hiện vật độc đáo ít thấy trong các kiến trúc nhà thờ họ. Các di vật khác như hương án, hạc thờ là những tác phẩm nghệ thuật hoàn hảo phản ánh tài năng sáng tạo nghệ thuật của tổ tiên ta ở thế kỷ 17-18. Nguồn tư liệu thành văn hiện còn trong di tích như gia phả, hoành phi, câu đối là nguồn sử liệu quý giá góp phần nghiên cứu, tìm hiểu đời sống văn hóa xã hội thế kỷ 18. Tuy nhiên, trải qua bao thăng trầm của lịch sử và điều kiện thiên nhiên khắc nhiệt nên di tích đã bị xuống cấp, xét đề nghị của chính quyền và nhân dân địa phương, năm 2019 Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã thống nhất cho tu bổ tôn tạo lại các hạng mục chính của nhà thờ gồm Tiền tế và Hậu cung nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di tích.
Là một dòng họ nổi danh trong lịch sử về truyền thống thượng võ, những Nguyên Xoái, Quận Công họ Nguyễn Hữu ở cương vị nào cũng nêu cao được tài đức tận tụy với công việc và nghiêm minh trong chỉ huy quân sự, kế tục truyền thống thượng võ của tổ tiên. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, dòng họ Nguyễn Hữu cũng đã có những đóng góp to lớn trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, hàng trăm người con ưu tú của dòng họ đã tham gia hai cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm. Trong đó, nhiều người con yêu dấu đã hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của dòng họ Nguyễn Hữu.
Nhà thờ Nguyễn Hữu Liêu từ trước tới nay vẫn luôn là nơi bảo lưu những sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của cộng đồng mang tính truyền thống của dân tộc ta. Để bảo tồn và phát huy giá trị di tích nhân dân địa phương mà trước hết là dòng họ cần chủ động xây dựng các phương án chống xuống cấp cho di tích, phối hợp với chính quyền địa phương và ngành văn hóa các cấp tổ chức tuyên truyền về truyền thống lịch sử của dòng họ nêu cao tấm gương trung nghĩa của Quận công Nguyễn Hữu Liêu trước cộng đồng. Từ đó giáo dục lòng yêu quê hương đất nước của nhân dân địa phương./.