Di tích danh thắng Di tích danh thắng

Chùa Hưng Khánh
Publish date 17/02/2021 | 10:43  | View Count: 241

Xem với cỡ chữ Đọc bài viết

Chùa Hưng Khánh 

Chùa Hưng Khánh hay còn gọi là chùa Đăm thuộc Tổ dân phố Trung 5, phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, chùa nằm cách trung tâm Hà Nội khoảng 20km về phía Tây.

Chùa Hưng Khánh xưa kia là một ngôi chùa bề thế, nguy nga. Theo tấm bia cổ nhất hiện còn - bia “Bảo thiết hoa đăng kềnh bi” thì niên đại ra đời của ngôi chùa là năm 1541. Với cái tên ban đầu là chùa Bảo Sở và trong khoảng thời gian từ năm 1541 đến năm 1590 ngôi chùa đã đổi tên là Hưng Khánh Tự. Được khởi dựng sớm trên mảnh đất có bề dày lịch sử lâu đời. Chùa nằm trong cụm di tích nổi tiếng, bên cạnh là đình, miếu Tây Tựu với hội bơi Đăm nổi tiếng từ ngàn xưa càng tăng thêm sự cổ kính của ngôi chùa.

Chùa có quy mô kiến trúc rộng rãi, cảnh quan tĩnh mịch thâm nghiêm. Các công trình kiến trúc tuy mới được trùng tu lại trong những năm đầu thế kỷ 20; năm 2020 được sự quan tâm của các cấp chính quyền, chùa được tu bổ lớn tòa tam bảo với tổng kinh phí 7.721 triệu đồng. Chùa vẫn giữ được một nét của kiến trúc cổ truyền.

Chùa tọa lạc trên một khu đất rộng, thoáng trong khu vực cư trú của làng, chùa ẩn mình dưới những tán lá cổ thụ xum xuê, cùng nhiều loại cây lưu niên rợp mát. Chùa quay hướng Đông Nam trong khuôn viên rộng. Tổng thể mặt bằng kiến trúc của chùa được cấu thành bởi 3 bộ phận: Tam Bảo, nhà Tổ và nhà Mẫu.

Xa xưa chùa có tam quan to đẹp, song đến nay chỉ còn lại 4 trụ vuông đắp long, mặt đắp nổi hình 2 voi, mặt sau trang trí tùng, hạc. Sau tam quan là một tòa nhà vuông nhỏ 2 tầng 8 mái cong dựng bằng bê tông gồm 4 cột tròn, dưới các chân cột trang trí uốn khúc, xung quanh là những cánh sen cách điệu. Một pho tượng Quan âm bằng thạch cao trong tư thế đứng trên tòa sen được đặt trên 4 đầu quỷ. Qua một cổng phụ và khu vườn rộng có nhiều cây hoa, cây cảnh, sân được lát gạch Bát Tràng cổ, bước lên bậc tam cấp dẫn vào chùa chính.

Tiền Đường: Tiền Đường hiện nay thực chất là Thượng Điện xưa kia, gồm 3 gian dọc, 1 dĩ xây theo kiểu tường hồi bít đốc, mái lợp ngói ta, hiên được nới rộng 3m, bên trên đắp nổi 3 chữ “Hưng Khánh Tự”. Kết cấu khung tòa Thượng Điện được làm theo kiểu vì chồng rường gồm 4 con kê rường kê trên nhau qua các đấu vuông thót đáy, mỏng, thấp. Trên mỗi bộ vì được đỡ bằng 4 cột vuông bằng bê tông, 3 mặt các cột được đắp các câu đối bằng vữa vôi. Phía trước được trổ 3 cửa: Khoảng cách giữa các cột xây dựng những bệ cao làm nơi đặt tượng thờ.

Nhà Mẫu: Nằm ngay sát bên trái Thượng Điện, gồm 3 gian, dạng trốn cột, xây theo kiểu tường bít đốc, mái lợp ngói ta, nền gạch vuông đỏ. Khoảng cách các gian chia đều nhau, mặt trước trổ 3 cửa, phía trên cửa làm kiểu vòm cuốn, dưới là các cánh chạm hình tứ quý, hoa lá cách điệu. Bộ khung được làm đơn giản, kiểu vì quá giang, bào trơn đóng bén. Sát tường phía trong xây các bệ thờ Mẫu.

Nhà Tổ: Nằm sát nhà Mẫu được bố cục theo dạng chữ “Nhị” gồm 5 gian nhà ngoài và 5 gian nhà trong.


 

Trong suốt chiều dài lịch sử, ngoài việc đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng thờ Phật của nhân dân trong vùng, chùa còn là nơi tưởng niệm các anh hùng văn hóa, anh hùng dân tộc đã có công trong lịch sử, thể hiện tinh thần uống nước nhớ nguồn của người dân Tây Tựu. Đây còn là trung tâm sinh hoạt văn hóa của làng xã, là nơi giáo dục con người lòng yêu quê hương đất nước, tinh thần đoàn kết cộng đồng bền chặt và lòng tương thân tương ái.

Thời kỳ cận đại cũng trong công cuộc kháng chiến chống Pháp, chính ngôi chùa đã chứng kiến bao sự đổi thay của vận mệnh dân tộc, ngôi chùa đã từng mang danh (chùa kháng chiến) với việc tổ chức hoạt động cách mạng và nuôi dấu cán bộ của địa phương. Chính vị sư trụ trì chùa là một trong những người đi tiên phong trong việc vận động nhân dân kháng chiến, bí mật hoạt động cách mạng. Công lao và thành tích của các bậc hòa thượng mãi được lưu lại trong tấm bia tưởng niệm liệt sỹ của Phường.

Với những giá trị lịch sử cách mạng về lịch sử văn hóa, di tích chùa Hưng Khánh đã được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch) xếp hạng di tích lịch sử văn hóa năm 2000.