Lịch sử văn hóa
Thực hiện chủ trương, đường lối của Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần kiên trì thương lượng với Chính phủ Pháp và Cao ủy Pháp Xanh-tơ-ni ở Hà Nội để tránh gây ra đổ máu, không để chiến tranh xảy ra. Hiệp định Sơ bộ Việt – Pháp ngày 6/3/1946 và Tạm ước 14/9/1946 ký tại Pháp là những nhượng bộ thiện chí của Chính phủ và nhân dân ta. Nhưng tướng lĩnh và quân Pháp vẫn cố tình khiêu khích, xung đột vũ trang, gây căng thẳng, ngày càng lấn ra mở rộng khu vực đóng quân.
|
Lời kêu gọi Toàn quốc Kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 19/12/1946 (Ảnh tư liệu) |
Mùa đông năm 1946 là một mùa đông rất đáng nhớ trong lịch sử kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc ta. Đó là những ngày đầu của nước Việt Nam độc lập non trẻ đã phải đương đầu với thù trong giặc ngoài, bộn bề khó khăn, nguy hiểm. Đất nước ta và Thủ đô Hà Nội đã phải sống trong không khí ngột ngạt, căng thẳng do quân đội Pháp gây ra.
Ở Hải Phòng, lấy cớ một vụ va chạm trên sông Cấm, cả hạm đội Pháp bất ngờ tập trung nã pháo vào khu dân cư làm thương vong gần 6.000 dân thường. Quân và dân Hải Phòng đã buộc phải chiến đấu quyết liệt chống trả quân thù.
Ở thủ đô Hà Nội, quân đội Pháp cũng ngày càng có những hành động ngang ngược, khiêu khích, xung đột vũ trang mở rộng khu vực đóng quân.
Quân đội Pháp vô cớ chiếm Phủ toàn quyền Đông Dương cũ. Quân Pháp cũng có ý định chiếm giữ nhà máy điện, nhà máy nước nhưng đã bị tự vệ và nhân dân ta chống trả quyết liệt, cuối cùng quân đội Pháp phải rút quân. Quân đội Pháp lấy cớ truy bắt tự vệ ta rồi xả súng vào nhà dân ở khu phố Yên Ninh giết hại nhiều thường dân và trẻ em.
Các đường phố quanh Hồ Gươm người dân đi lại thưa thớt, vội vã, vắng vẻ. Dọc đường Tràng Thi thỉnh thoảng người ta thấy những chiếc xe ô tô nhà binh hạng nhỏ, xe bọc thép của quân Pháp chạy đi chạy lại, gầm rú, loảng xoảng tiếng xích xe. Trên nhiều đường phố và cuối phố Tràng Tiền đã mọc lên những chiến lũy của tự vệ ta. Giường, tủ, bàn ghế, những thanh gỗ to, những thanh sắt to cũng được chuyển ra mặt đường làm chướng ngại vật ngăn bước kẻ thù. Khắp các cửa ô Hà Nội người ta cũng chứng kiến quang cảnh tấp nập của nam nữ thanh niên đang ra sức đào bới những hố sâu trên mặt đường, gánh đất xây thành những ụ chiến đấu lớn để phá các cuộc hành quân của quân đội Pháp.
Đứng trước tình hình chiến tranh ngày càng đến gần, buộc quân đội ta phải cảnh giác, sẵn sàng cầm súng đứng lên bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nhân dân, nhiều đơn vị vệ quốc đoàn cũng sẵn sàng đứng lên chiến đấu để bảo vệ Tổ quốc.
Tại làng Vạn Phúc, tỉnh Hà Đông, dưới sự chủ trì của Hồ Chủ tịch, Hội nghị Thường vụ Trung ương Đảng đã nhất trí cao quyết định tiến hành cuộc trường kì kháng chiến chống thực dân Pháp.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân ta đã cố kìm nén những cuộc xung đột chúng ta không mong muốn đã ngày một nhích gần đến thời điểm bùng nổ. Đài Tiếng nói Việt Nam đã được lệnh chuẩn bị sẵn sàng đối phó với tình huống xấu nhất.
Từ đầu tháng 12, phòng bá âm của đài đã được chuyển từ phố Phạm Ngũ Lão xuống khu vực Bạch Mai. Bộ phận đài ở Bạch Mai cũng rất gọn nhẹ. Một bộ phận lớn đã di chuyển về chùa Trầm - Hà Đông. Chương trình phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam vẫn như thường lệ bắt đầu từ 6 giờ sáng đến 8 giờ tối. Ngày 19/12/1946, hai phát thanh viên Dương Thị Ngân và Dương Văn Nhất đang giới thiệu chương trình tiếp theo thì pháo binh của ta ở làng Láng đã khai hỏa nã những loạt đạn vào các vị trí quân Pháp ở trong thành phố Hà Nội. Chiến tranh đã nổ. Các phát thanh viên ngừng đọc bài đang phát dở và nói ngay vào máy: "Thưa đồng bào, tiếng súng của quân dân Hà Nội đã nổ, cuộc kháng chiến toàn quốc của dân tộc ta đã bắt đầu, chúng tôi xin được ngừng buổi phát thanh tại đây, mời đồng bào cả nước đón nghe buổi phát thanh thường lệ của Đài Tiếng nói Việt Nam vào lúc 6 giờ sáng ngày mai 20/12/1946."
Lực lượng tự vệ thành phố đã xuất hiện và tiến hành các hoạt động phá hủy máy móc thực hiện khẩu hiệu "Tiêu thổ kháng chiến". Cán bộ nhân viên Đài Tiếng nói Việt Nam cũng chỉ kịp gỡ mấy cái bóng đèn trong máy phát cùng với chiếc ba lô cá nhân di chuyển ngay vào chùa Trầm. Trong đêm 19/12, giao thông viên của Nha thông tin chuyển đến chùa Trầm văn bản Lời kêu gọi của Bác Hồ. Sáng hôm sau 20/12, lúc 6 giờ "Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến" của Bác Hồ qua giọng đọc của phát thanh viên đã đến với chiến sĩ đồng bào cả nước và toàn thế giới. Vì lí do đảm bảo bí mật, trong đêm 19/12/1946, không có sự kiện Bác Hồ đến Đài Tiếng nói Việt Nam đọc "Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến". Phải đến đêm giao thừa Tết năm 1947, bằng máy ghi âm, Đài Tiếng nói Việt Nam mới ghi được tiếng nói của Bác Hồ đọc "Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến" trong lúc Bác Hồ đến chùa Trầm thăm Đài Tiếng nói Việt Nam và đọc lời chúc tết đồng bào và chiến sĩ cả nước nhân dịp xuân Đinh Hợi. Mùa xuân kháng chiến chống Pháp đầu tiên của dân tộc ta.
Buổi phát thanh sáng bắt đầu lúc 6 giờ ngày mùng 1 Tết Đinh Hợi là buổi phát thanh đặc biệt rất đáng nhớ của dân tộc ta. Đồng bào cả nước và nhân dân thế giới đã được nghe Bác Hồ chúc tết năm mới trong không khí vô cùng phấn khởi, kính mến Bác Hồ, và tràn đầy tin tưởng vào thắng lợi ngày mai của cuộc kháng chiến trường kì chống thực dân Pháp. Từ đó, trong suốt 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Bác Hồ đã vang vọng khắp nơi, cổ vũ toàn dân, toàn quân hăng hái tiến lên.
"Hỡi đồng bào toàn quốc!
Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng thực dân Pháp càng lấn tới vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa!
Không! Chúng ta thà hi sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ.
Hỡi đồng bào!
Chúng ta phải đứng lên!".